Tận dụng tối đa những tài nguyên và lợi thế sẵn có, tỉnh Trà Vinh đã đề ra những mục tiêu cụ thể cho chặng đường phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết Đảng bộ tỉnh. Nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả kép: “Vừa phát triển kinh tế, vừa tạo công ăn việc làm bền vững cho người dân, đồng thời giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống”…
Đổi đời từ cộng đồng
Gia đình ông Thạch Sang (xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) nhiều năm qua sống bằng nghề trồng lúa với nguồn thu nhập bấp bênh. Gần đây, gia đình ông đã có nguồn thu nhập ổn định nhờ vào việc giữ gìn văn hóa dân tộc.
Ông kể: từ năm 2019, tỉnh Trà Vinh cho ra mắt Dự án “Làng Văn hóa du lịch Khmer Trà Vinh”; gia đình ông và nhiều hộ dân khác được vận động tham gia làm du lịch. Công việc của ông chỉ đơn giản là tái hiện lại cách giã cốm dẹp – một món ăn truyền thống của người Khmer. “Nếu làm ruộng hoặc làm vườn, 3 tháng người nông dân mới thu hoạch một lần. Công việc hiện nay cho tôi thu nhập có khi lên tới 700.000 – 1.000.000 đồng/ngày. Tôi rất vui mừng vì cuộc sống không chỉ khá hơn, mà còn có thể gìn giữ những giá trị văn hóa của tổ tiên, cha ông để lại” – ông Sang nói.
Câu chuyện về người nông dân đổi đời như ông Sang đang xuất hiện nhiều ở Trà Vinh, mở ra những thành quả mới qua cách làm du lịch mới. Ấp Cồn Chim, cù lao Hòa Minh, huyện Châu Thành gần 2 năm nay đã khoác lên mình diện mạo mới – khi 22 hộ dân tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng dưới hình thức tự quản. Mỗi hộ dân cung cấp một loại hình dịch vụ, sử dụng các sản phẩm tự có do người dân tự làm tại chỗ, như: Cho thuê homestay; nấu ăn, dạy làm bánh cho du khách, câu cua, đặt lợp, bắt tôm, trò chơi dân gian; tái hiện phiên chợ quê…
Chị Nguyễn Thị Sữa, người dân ấp Cồn Chim kể: Trước đây, gia đình chị sống bằng nghề trồng lúa và nuôi trồng thủy sản, giờ đây gia đình có thêm việc làm mới khi tham gia làm du lịch. Công việc của chị là làm bánh lá và một số loại bánh dân gian Nam Bộ cho du khách thưởng thức. Mỗi tháng thu nhập của gia đình, lên tới 15-20 triệu đồng/tháng. Nếu như trước đây bà con chủ yếu làm nông nghiệp, thì giờ đã có du lịch nữa thì không lo nghèo. Mỗi hộ làm một thứ sở trường, không ai cạnh tranh ai, ngược lại còn hỗ trợ nhau cùng làm ăn.
Ông Nguyễn Văn Quời – Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ấp Cồn Chim cho hay, bình quân mỗi tháng có 1.500 du khách đến Cồn Chim. Lần đầu tiên trong năm 2021, ấp mạnh dạn đề ra mục tiêu đạt mức thu nhập 100 triệu đồng/người/năm. Chỉ trong 3 tháng đầu năm, các hộ dân tham gia làm du lịch đã đạt được mức 50 triệu đồng.
Thuận thiên để phát triển bền vững
Ông Dương Hoàng Sum – Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Trà Vinh – cho biết: Từ năm 2017, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch để thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16.1.2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Từ đó đến nay, tỉnh đã tập trung phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa, trong đó phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong việc phát triển du lịch xanh, nói không với ‘‘bêtông hóa”. Nhờ đó từ 2018 đến nay, du lịch Trà Vinh đã có vị trí trên bản đồ du lịch cả nước nhờ các sản phẩm du lịch xanh, du lịch bền vững; tiêu biểu như mô hình du lịch cộng đồng Cồn Chim, du lịch sinh thái Cồn Hô là mô hình mẫu cho việc phát triển du lịch bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu…
Điển hình như điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim, người dân làm du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường, nuôi trồng và sản xuất sạch theo mô hình “con tôm ôm cây lúa”, dựa trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do người dân Cồn Chim tổ chức quản lý. Gần 2 năm ra mắt, du lịch Cồn Chim là mô hình kiểu mẫu của dựa trên yếu tố tài nguyên sẵn có. Đặc biệt, đến nay du lịch cộng đồng Cồn Chim chưa sử dụng vốn ngân sách mà chủ yếu huy động các nguồn lực sẵn có của người dân để phát triển. Qua đó, vừa giảm gánh nặng cho ngân sách, vừa tạo công ăn việc làm bền vững cho người dân, lại có thể gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Ông Lê Văn Hẳn – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh – cho biết, tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng vừa qua, đã chính thức thông qua Nghị quyết với nhiều nội dung quan trọng phát triển kinh tế xã hội, đất nước. Trên cơ sở này, cùng với Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đã ban hành trước đó, Trà Vinh đã đề ra nhiều kế hoạch, mục tiêu cụ thể, với đột phá là chú trọng vào phát triển nền kinh tế xanh. Ở đó, những mô hình du lịch xanh, như ở Cồn Chim là những điển hình. Các mô hình này vừa giúp tỉnh phát triển thuận thiên theo đúng tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ, vừa nâng cao đời sống người dân, giảm gánh nặng an sinh xã hội; đảm bảo mục tiêu kép: “Vừa phát triển, vừa bảo vệ và gìn giữ các giá trị”.
Theo ông Hẳn, việc thu hút đầu tư vẫn rất quan trọng, tuy nhiên, giữa bối cảnh khó khăn do tác động từ dịch bệnh COVID-19, tỉnh sẽ phát huy tối đa những nguồn lực và tài nguyên sẵn có. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung cho Trà Vinh 4 dự án điện gió vào Quy hoạch điện VII, tổng công suất 396MW, với tổng mức đầu tư lên tới gần 18.000 tỉ đồng. Với bờ biển dài 65km, Trà Vinh xác định điện gió là những yếu tố then chốt tạo nên nền “công nghiệp xanh” thu hút đầu tư, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm, an sinh xã hội…
TRẦN LƯU
Nguồn: Báo Lao Động